Cách giữ thai trong 3 tháng đầu đảm bảo một thai kỳ an toàn khoẻ mạnh
3 tháng đầu hay kỳ tam cá nguyệt thứ nhất là thời kỳ vô cùng quan trọng đối với thai kỳ. Trong 3 tháng đầu tiên, thai dễ dàng bị tổn thương, nguy cơ xảy ra biến chứng như dị tật, sảy thai, phát triển chậm. Cách giữ thai trong 3 tháng đầu giúp đảm bảo một thai kỳ khoẻ mạnh hơn, gồm những phương pháp dưỡng thai ưu việt và an toàn nhất.
Dưới sự hướng dẫn từ chuyên gia sản phụ khoa Tạ Thị Hồng Duyên, bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những phương pháp giữ thai an toàn trong 3 tháng đầu đơn giản và hiệu quả.
Mục lục:
Cách giữ thai an toàn theo từng tháng đầu tiên
Hai tuần sau khi thụ thai, phôi thai sẽ đạt kích thước khoảng 1-2mm. Từ thời điểm này, sự phát triển của phôi thai sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào dinh dưỡng từ người mẹ chuyển sang. Trong những tuần đầu tiên, phôi thai vẫn chưa hoàn thành việc làm tổ trong tử cung và rất dễ bị tổn thương, nguy cơ động thai và sảy thai rất cao. Do đó trong 3 tháng đầu, việc chăm sóc sức khoẻ cho mẹ bầu cần phải được đặc biệt quan tâm.
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, thai nhi trải qua những giai đoạn phát triển quan trọng và có những đặc điểm nổi bật sau:
Tháng thứ nhất (Tuần 1-4):
- Thụ tinh và làm tổ: Quá trình thụ tinh xảy ra khi tinh trùng kết hợp với trứng để tạo thành hợp tử. Hợp tử sau đó phân chia và di chuyển xuống ống dẫn trứng để làm tổ trong lớp niêm mạc tử cung.
- Phát triển phôi: Hợp tử phát triển thành phôi và bắt đầu hình thành các cấu trúc cơ bản như túi ối, phôi bào và nhau thai. Túi ối bao quanh phôi và cung cấp môi trường bảo vệ, trong khi nhau thai sẽ là nơi trao đổi dinh dưỡng và chất thải giữa mẹ và thai nhi.
Trong tháng đầu tiên của thai kỳ mẹ bầu cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm axit folic(1) giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Liều khuyến nghị là 400-800 microgam mỗi ngày. Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu protein (như thịt nạc, cá, trứng), và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh các thực phẩm có chứa nhiều đường và chất béo bão hòa.
Tránh thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích, những chất này có thể gây hại nghiêm trọng đến sự phát triển của phôi. Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu, sơn, và các chất tẩy rửa mạnh.
Tháng thứ hai (Tuần 5-8):
- Phát triển cơ quan chính: Các cơ quan chính như tim, não, tủy sống, phổi và gan bắt đầu hình thành và phát triển. Tim thai bắt đầu xuất hiện từ tuần thứ 5-7.
- Hình thành chi: Các chi trên và dưới bắt đầu xuất hiện dưới dạng chồi chi. Ngón tay và ngón chân cũng bắt đầu phân tách và phát triển.
- Phát triển hệ thần kinh: Não và tủy sống phát triển mạnh mẽ, hình thành các cấu trúc quan trọng như não trước, não giữa và não sau.
Trong tháng thứ 2 của thai kỳ, bổ sung thêm sắt và canxi, các chất này giúp ngăn ngừa thiếu máu và hỗ trợ sự phát triển xương của thai nhi. Các thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, đậu, và rau lá xanh. Canxi có thể được bổ sung từ sữa, sữa chua, và phô mai. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, giúp hỗ trợ hệ tuần hoàn và tránh táo bón thai kỳ.
Tháng thứ ba (Tuần 9-12):
- Hoàn thiện cơ quan: Các cơ quan và hệ thống cơ thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Tim thai đập mạnh mẽ và đều đặn hơn.
- Phát triển các đặc điểm ngoại hình: Mặt thai nhi bắt đầu có hình dạng rõ ràng hơn với mắt, mũi, miệng và tai. Mí mắt, tai ngoài và răng sữa cũng bắt đầu hình thành.
- Cử động thai nhi: Mặc dù mẹ chưa thể cảm nhận được, nhưng thai nhi đã bắt đầu có những cử động nhỏ, như co duỗi các chi và ngọ nguậy trong túi ối.
Ở tháng thứ 3, tiếp tục tăng cường bổ sung protein từ thịt, cá, trứng, và đậu. Ăn nhiều trái cây và rau củ để cung cấp vitamin cần thiết. Giảm tiêu thụ caffeine từ cà phê, trà và các loại nước ngọt có chứa caffeine. Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền, hoặc đi bộ nhẹ nhàng. Kiểm tra các chỉ số sức khỏe của mẹ và thai nhi, bao gồm xét nghiệm đường huyết, huyết áp và kiểm tra nhiễm trùng.
Khi kết thúc kỳ tam cá nguyệt thứ nhất, thai nhi đã phát triển đến kích thước tương đối lớn. Các bộ phận như mắt, mũi, miệng, tai… đã có hình dáng rõ ràng. Nếu như 3 tháng đầu giữ thai tốt, thai sẽ bám chắc vào tử cung, nguy cơ sảy thai hay biến chứng đã giảm đi đáng kể.
6 cách giữ thai trong 3 tháng đầu đơn giản – an toàn – hiệu quả
1. Tránh xa những hoạt động nặng, nguy hiểm
Trong 3 tháng đầu thai chưa bám chắc vào tử cung, do đó mẹ bầu cần hạn chế làm việc nặng hoặc các hoạt động quá sức như chạy bộ, leo núi, nhảy dây… các hoạt động này có thể khiến thai vô tình bị thương, thậm chí là sảy thai. chú ý khi lên xuống cầu thang hay di chuyển nơi đông người, hạn chế tình trạng chen lấn, ngã…
Tập luyện sức khoẻ là rất tốt nhưng mẹ bầu lên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng hơn như đi bộ, các bài tập yoga cho bà bầu. Những bài tập này vừa an toàn lại có tác dụng cải thiện thức khỏe và tâm trạng của mẹ bầu, do các hoạt động tập luyện nhẹ nhàng sẽ sản sinh ra “hormone hạnh phúc” dopamine.
2. Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ an toàn
Không chỉ trong 3 tháng đầu mà trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần duy trì cho bản thân một chế độ dinh dưỡng dồi dào, nhằm đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh. Danh sách các thực phẩm cần thiết cho 3 tháng đầu thai kỳ gồm:
- Thực phẩm giàu Axit folic: Có trong bông cải xanh, khoai tây, đậu… giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin B6: Ở cá hồi, ngũ cốc, chuối… giúp cải thiện tình trạng ốm nghén, khó ăn, buồn nôn ở bà bầu.
- Thực phẩm có nhiều sắt: Các thực phẩm có nhiều sắt là: Thịt nạc đỏ, ngũ cốc, các loại hạt đậu, hải sản…
- Thực phẩm giàu protein: Protein giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch của cơ thể người mẹ. Các loại thực phẩm giàu protein mà mẹ bầu có thể bổ sung là: thịt lợn, thịt bò, trứng, cá, ngũ cốc, sữa…
- Thực phẩm chứa nhiều chất xơ và vitamin: chất xơ cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng táo bón thai kỳ. Trong khi đó, vitamin cải thiện hệ miễn dịch, phòng ngừa mắc bệnh. Chất xơ và vitamin thường có nhiều trong rau xanh và hoa quả tươi.
Ngoài những loại thực phẩm nên ăn thì mẹ bầu cũng cần tránh những loại đồ không tốt cho sức khoẻ như sau:
- Các loại cá biển chứa nhiều thủy ngân
- Thực phẩm tái, chưa chín kỹ
- Thực phẩm gây co thắt tử cung: rau ngót, ngải cứu, đu đủ xanh…
- Đồ ăn quá cay nóng, quá mặn hoặc quá ngọt
- Các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia…
3. Khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ tại các địa chỉ khám thai uy tín là hoạt động cần thiết để bác sĩ xác định thai khỏe mạnh, không có dị tật bẩm sinh. Đồng thời cũng là lúc được bác sĩ tư vấn kỹ hơn về chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc dưỡng thai phù hợp.
Theo cuốn cẩm nang mang thai của bác sĩ Hồng Duyên: Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu có hai cột mốc quan trọng để khám thai là:
- Thời điểm thai 5-6 tuần tuổi: Để xác nhận có thai, vị trí thai (trong tử cung hay ngoài tử cung), và số lượng thai (đơn thai, song thai,…), xác định tuổi thai và dự đoán ngày sinh. Xét nghiệm máu để kiểm tra nhóm máu, Rh, hemoglobin, sắt, đường huyết, và các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, giang mai, lậu, sùi mào gà,…
- Từ 8 đến 12 tuần tuổi: Kiểm tra độ mờ da gáy để phát hiện nguy cơ các dị tật bẩm sinh và hội chứng Down. Xét nghiệm double test hoặc combined test để kiểm tra nguy cơ các bất thường nhiễm sắc thể. Kiểm tra tổng quát và theo dõi các triệu chứng bất thường nếu có.
4. Cẩn trọng khi quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu
Mặc dù việc mang thai vẫn có thể quan hệ tình dục được, nhưng bác sĩ Duyên khuyên các cặp đôi nên cẩn trọng khi quan hệ trong lúc mang thai. Tốt nhất nên chọn những tư thế nhẹ nhàng, không làm mạnh bạo để hạn chế ảnh hưởng đến thai nhi.
Khi mang thai trong 3 tháng đầu nhiều vợ chồng sợ quan hệ sẽ gây ảnh hưởng đến phôi thai. Điều này chỉ đúng một phần bởi tác động bên ngoài hiếm khi ảnh hưởng nhiều đến quá trình làm tổ của trứng hoặc hình thành bào thai. Bên cạnh đó quan hệ tình dục nhẹ nhàng còn giúp mẹ bầu giảm stress, giải tỏa tâm lý căng thẳng và thư giãn… Để tốt cho cả mẹ và bé, các cặp vợ chồng khi đi khám nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ về vấn đề quan hệ tình dục khi mang thai.
5. Tiêm phòng đầy đủ
Việc tiêm phòng trước và sau khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu hạn chế được các căn bệnh nguy hiểm, ngăn ngừa các nguy cơ dẫn đến sảy thai. Đối với thai 3 tháng đầu, mẹ bầu có thể sẽ tiêm các loại vắc-xin là Vắc xin cúm(Influenza) và lên lịch tiêm vắc xin Ho gà – bạch hầu – uốn ván. Để tìm đăng ký tiêm và có lịch tiêm đúng nhất thì mẹ bầu nên tham khảo tiêm vắc-xin ở cơ sở khám thai hoặc các bệnh viện uy tín.
Lưu ý rằng trong quá trình mang thai việc sử dụng các loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi. Do đó mẹ bầu cần nghiêm túc thực hiện đúng hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa khi đi tiêm phòng trong 3 tháng đầu thai kỳ.
6. Luôn giữ tâm lý thỏa mái, nghỉ ngơi hợp lý
Tâm lý là một trong những vấn đề ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Hơn nữa, tỷ lệ mắc trầm cảm ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai là rất cao, khoảng 14 – 23%. Trầm cảm hoặc áp lực tâm lý khi mang thai có thể khiến thai chậm phát triển, động thai, sảy thai… Tệ hơn là mẹ bầu có thể tự làm tổn thương bản thân.
Do đó, mẹ bầu nên sắp xếp nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tâm lý căng thẳng và nên trao đổi thẳng thắn với gia đình và người chồng trước khi mang thai. Thậm chí có thể chủ động không làm một số việc nhà để dành thời gian nghỉ ngơi, nằm thư giãn, đọc sách, nghe nhạc, làm điều mình thích…
Những hoạt động khác giúp dưỡng thai 3 tháng đầu
Ngoài những cách giữ cho thai nhi an toàn trong 3 tháng đầu ở trên thì chồng và mẹ bầu có thể áp dụng những phương pháp sau để giúp dưỡng thai và thai nhi phát triển tốt hơn:
- Xoa bụng nhẹ sẽ kích thích phát triển xúc giác cho trẻ, nhưng không nên xoa mạnh hoặc đặt tay lên thành bụng, nhất là khu vực đáy tử cung vì có thể kích thích những cơn co tử cung dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
- Nghe nhạc du dương, dễ chịu giúp thư giãn tâm trí cho bà bầu cũng như kích thích phát triển thính giác của trẻ. Cần lưu ý không nên mở nhạc quá to hoặc tiết tấu quá nhanh
Hai phương pháp dưỡng thai trên có thể áp dụng đối với thai trong 3 tháng đầu, ngoài ra còn có các phương pháp dưỡng thai khác, được áp dụng cho thai trong các thời kỳ khác nhau, cụ thể là:
- Sử dụng tinh dầu dịu nhẹ để kích thích thính giác của trẻ (từ 13 tuần tuổi trở lên)
- Ăn uống khoa học, nhiều món để kích thích vị giác của trẻ (trẻ bắt đầu có vị giác từ tuần thứ 13)
- Chiếu ánh sáng nhẹ lên bụng để kích thích thị giác của trẻ (trẻ bắt đầu cảm nhận được ánh sáng từ tuần thứ 18). Tuy nhiên, nên dùng ánh sáng nhẹ, vừa phải chứ ko nên quá mạnh.
Hy vọng thông qua bài viết “Cách giữ thai trong 3 tháng đầu cho một thai kỳ khoẻ an toàn” các thai phụ đã nắm được các thông tin quan trọng và cần thiết để dưỡng thai tại kỳ tam cá nguyệt thứ nhất. Các mẹ bầu sẽ cần chú ý hơn trong sinh hoạt và dinh dưỡng để đảm bảo thai nhi trong 3 tháng đầu được phát triển khỏe mạnh, an toàn. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh, sinh đẻ thuận lợi nhé!