Bà bầu có được ăn cà muối không? Có ảnh hưởng đến thai nhi?
Cà muối là món ăn bình dị nhưng lại rất hao cơm, đặc biệt là vào mùa hè, ăn cà muối với thịt luộc, canh cua, là “mỹ vị nhân gian”. Thế nhưng, khi mang thai bà bầu phải chú ý đến chế độ ăn uống để đảm bảo cho thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh. Vậy, bà bầu có được ăn cà muối không? Ăn cà muối khi mang thai có ảnh hưởng tới thai nhi không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời.
Mục lục:
Giá trị dinh dưỡng và tác dụng của cà muối
Cà muối là món ăn được tạo ra nhờ quá trình lên men tự nhiên của vi khuẩn lactic. Trong khi đó, vi khuẩn lactic giúp phá hủy liên kết của một số loại thức ăn khó tiêu. Vì vậy, cà muối cũng có khả năng kích thích tiêu hóa.
Khi được muối chín tới, trong nước cà muối có chứa khoảng 20 loại acid amin tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, thành phần dưỡng chất trong cà muối lại rất ít, ngoài một số ít vitamin và khoáng chất thì còn một lượng chất đạm không đáng kể. Cụ thể, 100g cà pháo cung cấp:
- 1,5g Protein
- 12 mg Canxi,
- 0,7 mg Sắt
- 18mg Magiê
- 16mg Phospho
- 221mg Kali
- 0,3mg Kẽm
Ngoài ra, cũng chứa một số loại vitamin như tiền vitamin A, vitamin C, vitamin B1, B2, PP. Theo Y học cổ truyền, quả cà pháo có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng tán huyết, trị trũng thấp, chỉ thống, trừ viêm, lợi tiểu, chỉ thống.
Bà bầu có được ăn cà muối không?
Trong giai đoạn thai kỳ, chế độ dinh dưỡng của người mẹ cần được chú trọng để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Với câu hỏi bà bầu có được ăn cà muối không thì theo các chuyên gia, bà bầu hoàn toàn có thể ăn cà muối. Tuy nhiên, khi ăn cà muối, phụ nữ có thai cũng cần phải cẩn trọng với chất Solanin có trong món ăn này. Đây là chất có khả năng gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá và thần kinh.
Với những quả cà muối xổi, chưa chín kỹ thì hàm lượng độc tố Solanin cao, có khả năng gây độc. Biểu hiện của ngộ độc Solanin là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau dạ dày, nóng rát cổ họng, nhịp tim rối loạn, chóng mặt, đau đầu. Nặng hơn có thể gây ra hiện tượng ảo giác, vàng da, hạ thân nhiệt, tê liệt, hôn mê, thậm chí là tử vong. Các biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện sau khoảng 8 đến 12 giờ kể từ khi ăn. Mức độ ngộ độc còn tùy thuộc lượng cà muối ăn vào.
Ngoài ra, trong cà muối xổi có hàm lượng Nitrat cao bị chuyển hóa thành Nitrit. Sau khi đến dạ dày, chất này sẽ kết hợp cùng các axit amin trong các thực phẩm khác trở thành nitrosamine – chất gây nguy cơ ung thư.
Với những quả cà muối chín, thì lượng Solanin giảm đi một cách đáng kể, có thể tiêu thụ một cách an toàn. Nhưng nếu ăn quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc Solanin.
Chính vì vậy, thai phụ chỉ nên ăn với số lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều. Theo đó, bà bầu chỉ nên ăn 1-2 lần/tuần, mỗi lần chỉ ăn khoảng 50g. Đồng thời, mẹ bầu không nên ăn cà muối xổi, cà muối chưa chín kỹ, hay quá muối quá chua.
Ăn cà muối có gây ra tình trạng sinh non không?
Sinh non là tình trạng thai nhi chào đời sớm khi chưa đủ tháng đủ ngày. Trẻ sinh non sẽ gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe như sức khỏe kém hơn so với những bé sinh đủ ngày tháng, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn thân nhiệt và vàng da…
Về vấn đề ăn cà muối có gây ra tình trạng sinh non không, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra việc ăn cà muối sẽ dẫn tới hiện tượng sinh non. Thế nhưng cà muối có thể gây ra tình trạng ngộ độc nếu ăn không đúng cách. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe mẹ bầu nên ăn vừa phải.
Bà bầu cần lưu ý gì khi ăn cà muối?
Để đảm an toàn, khi ăn cà muối bà bầu cũng cần lưu ý những điều sau:
- Bà bầu có thể ăn cà muối nhưng chỉ nên ăn với lượng nhỏ, và không nên ăn hàng ngày vì cà muối có tình hàn nên có thể khiến mẹ bầu bị ho.
- Mỗi tuần chỉ nên ăn cà muối 1 – 2 lần, mỗi lần không quá 50g
- Khi ăn cà muối, bà bầu nên ăn những quả cà đã muối chín, đủ độ chua. Tránh ăn quả cà chua quá và có nổi váng trắng hoặc đen.
- Mẹ bầu nên tự muối cà ở nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Khi muối cà, mẹ bầu nên sử dụng chum sành, sứ, thủy tinh để đựng thay vì bình nhựa. Khi dùng bình nhựa, muối phản ứng với nhựa có thể gây ra các chất độc trong quá trình lên men, ảnh hưởng tới sức khỏe thai phụ.
- Bà bầu không nên ăn cà muối vào buổi tối bởi có thể bị chướng bụng và đầy hơi, dẫn tới khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Khi ăn cà muối, nếu cảm thấy có vị đắng thì mẹ bầu nên bỏ đi ngay, vì vị đắng có thể là độc tố trong quả cà, vị đắng càng nhiều thì độc tố càng cao.
- Nên ăn kèm cà pháo với các loại gia vị, món ăn có tính nóng (tỏi, sả…), tránh ăn kèm thực phẩm có tính hàn.
Như vậy, bà bầu hoàn toàn có thể ăn cà muối trong giai đoạn thai kỳ. Tuy nhiên, khi ăn bà bầu cũng cần lưu ý nên ăn với số lượng ít, ăn khi dưa đã đủ độ chín, đủ độ chua, tránh ăn khi cà chưa chín kỹ hay quá chua. Bên cạnh đó, bà bầu cũng cần chú ý tới cách bảo quản cà muối để đảm bảo an toàn. Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh!