Tiểu buốt tiểu rắt ở nam: triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm liên quan đến đường tiết niệu. Xác định chính xác nguyên nhân và triệu chứng bệnh sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả, an toàn hơn. Từ đó ngăn chặn biến chứng nguy hiểm đáng tiếc có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.
Mục lục:
Tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới là gì?
Nam bị tiểu buốt là hiện tượng bệnh nhân đi tiểu cảm thấy đau và nóng rát ở niệu đạo. Tiểu buốt thường đi kèm với tiểu rắt và khó tiểu. Tiểu rắt là tình trạng nước tiểu bị tắc đột ngột dù bệnh nhân cố gắng rặn mạnh nhưng lượng nước tiểu chảy ra rất ít. Bệnh đi tiểu buốt ở nam giới phần lớn liên quan mật thiết đến đường tiết niệu điển hình như: Viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt, sỏi và u bướu trong hệ thống tiết niệu.
Tiểu rắt tiểu buốt ở nam giới có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, nhóm người có nguy cơ cao nhất là quý ông ở độ tuổi trung niên và cao niên, đặc biệt là những người mắc các bệnh liên quan đến hệ thống tiết niệu, người mắc bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường và suy thận mạn.
Triệu chứng tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới
Tiểu buốt tiểu rắt ở nam thường có các dấu hiệu sau:
- Đau ở dương vật trước và sau khi đi tiểu;
- Căng tức ở vùng bụng dưới;
- Châm chích, nóng rát và ngứa ngáy khi tiểu;
- Đang tiểu phải dừng lại vì cảm giác đau.
- Tia nước tiểu bị tắt giữa chừng, căng tức ở vùng bàng quang;
- Nước tiểu có màu và mùi lạ;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Rối loạn xuất tinh.
Nguyên nhân gây tiểu buốt ở nam giới
Tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân sinh lý
- Lo lắng, căng thẳng và stress kéo dài: Stress hoặc lo âu quá mức khiến tâm lý nam giới rối loạn, làm mất cân bằng hormone trong cơ thể dẫn đến thay đổi sinh lý và tình cảm. Khi đó, cơ thể phản ứng mạnh mẽ để loại bỏ chất thải càng nhanh càng tốt, dẫn đến tiểu rắt.
- Thói quen sinh hoạt kém khoa học: Nhiều người có thói quen không uống nước hoặc uống quá ít nước trong ngày khiến cơ thể thiếu nước sẽ gây ra tiểu rắt. Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn và sản phẩm lợi tiểu; lao lực quá sức khiến cơ thể vận động nhiều hơn bình thường,… Ngoài ra, táo bón, thói quen nhịn tiểu kéo dài hoặc vệ sinh không đúng cách cũng là nguyên nhân tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Dùng nhiều kháng sinh, thuốc tây hoặc kích thích thần kinh dễ gây ra tình trạng tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới.
- Bệnh lý mãn tính: Người mắc bệnh tiểu đường, người già và những người từng đặt ống thông tiểu thường đi kèm với tiểu buốt tiểu rắt.
Nguyên nhân sinh lý không gây nguy hiểm nên bạn không cần quá lo lắng.
Nguyên nhân bệnh lý
Ngoài yếu tố thói quen sinh hoạt, tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý ở hệ tiết niệu (thận, bàng quang, tuyến tiền liệt,…). Cụ thể như sau:
Sỏi tiết niệu
Tiểu buốt tiểu rắt ở nam là dấu hiệu cảnh báo bệnh sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu hình thành từ sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Chúng xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ tiết niệu như: bàng quang, thận hoặc niệu đạo. Thông thường, sỏi được hình thành từ thận, sau đó di chuyển qua cơ quan của hệ thống tiết niệu và bài tiết ra ngoài bằng đường tiểu.
Sở dĩ sỏi tiết niệu gây tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới là bởi sỏi gây tắc nghẽn. Làm giảm dòng chảy của nước tiểu hoặc gây tổn thương niêm mạc, dẫn đến viêm nhiễm và khó chịu khi đi tiểu.
Triệu chứng phổ biến gây sỏi tiết niệu gồm:
- Buồn nôn, nôn, sốt cao
- Nước tiểu đổi màu đục, có thể có lẫn cả máu
- Tiểu buốt, tiểu rắt, luôn có cảm giác muốn đi tiểu
- Đau và chuột rút dữ dội ở vùng lưng dưới hoặc một bên thận. Cơn đau có thể chuyển xuống bụng dưới, bẹn và xuống đường tiết niệu.
Viêm bàng quang
Viêm bàng quang cũng là một trong những nguyên nhân đi tiểu buốt ở nam giới. Viêm bàng quang có thể xuất hiện ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Nguyên nhân chính do nhiễm khuẩn lan truyền vào đường tiết niệu.
Bệnh đi kèm với các triệu chứng phổ biến sau:
- Tiểu nhiều lần, tiểu đau rát và cảm giác luôn phải đi tiểu gấp, mỗi lần ít đi kèm cảm giác tiểu không hết.
- Nước tiểu có thể có máu, mùi hôi nồng hoặc màu đục.
- Đau, có cảm giác nóng rát khó chịu khi tiểu;
- Đau ở vùng bụng dưới;
- Đái dầm vào ban ngày ở trẻ em và có sốt nhẹ.
Viêm mào tinh hoàn
Nguyên nhân gây tiểu buốt ở nam giới có thể do viêm mào tinh hoàn. Viêm mào tinh hoàn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau – Nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn.
Triệu chứng viêm mào tinh hoàn gồm có:
- Mào tinh hoàn sưng đỏ, đau và căng tức ở tinh hoàn. Cơn đau chỉ tập trung một bên và giảm dần;
- Chảy dịch từ dương vật và đau khi giao hợp;
- Đau khi đi tiểu, có nhu cầu tiểu gấp hoặc thường xuyên có cảm giác buồn tiểu;
- Có lẫn cả máu trong tinh dịch;
- Sốt (ít gặp).
Bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STIS)
Bệnh lây qua đường tình dục là nguyên nhân gây tiểu buốt ở nam giới. Khi bị nhiễm các loại vi khuẩn như Neisseria gonorrhoeae, Mycoplasma hoặc nấm Chlamydia, niệu đạo bị tấn công và gây viêm nhiễm. Các bệnh lây qua đường tình dục gây tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới bao gồm:
- Lậu
- Giang mai
- Chlamydia
- Herpes sinh dục
Triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Tiểu khó, tiểu buốt, nóng rát và đau khi tiểu tiện;
- Sưng đau tinh hoàn;
- Đau rát khi quan hệ tình dục;
- Tiết mủ và dịch bất thường ở đầu dương vật;
- Sưng và đau ở hạch bạch huyết, đặc biệt là ở bẹn;
- Đau ở bụng dưới, nổi mụn nhọt ở vùng sinh dục, hậu môn hoặc miệng hoặc phát ban trên cơ thể.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng nam giới vẫn mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn E.Coli khu trú ở hậu môn và da có thể xâm nhập vào đường tiết niệu gây ra tiểu buốt ở nam giới.
Triệu chứng lâm sàng:
- Nóng rát và khó chịu khi đi tiểu;
- Tăng số lần đi tiểu nhưng không tiểu được nhiều, thường xuyên tiểu gấp, tiểu buốt, tiểu rắt;
- Đôi khi tiểu ra máu, nước tiểu có màu máu hoặc đục giống nước trà đặc, có mùi nặng.
- Đau ở mạn sườn, đau tức bụng dưới.
- Sốt kèm ớn lạnh (bệnh nặng).
Bệnh lý tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt có tên gọi khác là tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính. Bệnh làm cho tuyến tiền liệt phình to và gây tắc nghẽn đường tiết niệu dưới, dẫn đến các triệu chứng rối loạn đường tiểu.
Triệu chứng điển hình bao gồm:
- Tiểu nhiều lần trong đêm;
- Tiểu gấp, tiểu phải rặn;
- Mót tiểu, tia nước tiểu ngắt quãng, rất yếu không thành dòng;
- Tiểu không kiểm soát và đôi khi bí tiểu.
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng nhiễm trùng tại tuyến tiền liệt do vi khuẩn hoặc không phải vi khuẩn gây ra. Triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt tương đối giống phì đại tuyến tiền liệt. Ngoài ra, người viêm tuyến tiền liệt còn bị đau ở dương vật và tinh hoàn; nước tiểu đục và/hoặc có máu, đau ở bụng, bẹn và lưng dưới, đau ở khu vực đáy chậu như ở giữa bìu và trực tràng.
U xơ tuyến tiền liệt
U xơ tuyến tiền liệt thường là nguyên nhân gây tiểu rắt ở nam giới lớn tuổi. Khối u xơ gây áp lực lên bàng quang. Cản trở loại bỏ nước tiểu ra khỏi bàng quang và dẫn đến tiểu rắt.
Nếu u xơ tuyến tiền liệt không được xử trí, có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Nguyên nhân xuất phát từ việc nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang trong thời gian dài. Thành phần hóa học của nước tiểu thay đổi tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn, gây nhiễm trùng đường tiểu.
Dấu hiệu của u xơ tuyến tiền liệt bao gồm:
- Không thể tiểu hết nước tiểu;
- Quần lót luôn ẩm ướt;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Chấn thương cơ vùng chậu;
- U xơ thường đi kèm với nhiễm trùng đường tiểu;
- Hình thành sỏi bàng quang và gây hại cho chức năng thận.
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính phổ biến thứ hai sau ung thư tuyến tiền liệt ở ở hệ tiết niệu nam giới. Ung thư bàng quang đứng thứ tư trong các bệnh ung thư phổ biến nói chung. Tỷ lệ mắc bệnh của nam giới gấp ba lần nữ giới.
Dấu hiệu ung thư bàng quang giai đoạn đầu:
- Tiểu ra máu, nước tiểu có máu hoặc có màu gỉ;
- Bệnh nhân sợ hãi mỗi lần đi tiểu vì tiểu nhiều nhưng tiểu khó và đau khi đi tiểu,
- Tiểu buốt, có dấu hiệu tắc nghẽn đường tiểu;
- Đau lưng dưới, sụt cân.
Ung thư tuyến tiền liệt
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (2018), ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 8 về tỉ lệ tử vong trong các loại ung thư. Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý thường gặp đặc biệt là ở nam giới trên 50 tuổi. Sử phát triển mất kiểm soát của các tế bào tuyến tiền liệt dẫn đến hình thành các khối u ác tính, dẫn đến ung thư. Bệnh phát triển rất chậm và ít có triệu chứng ở giai đoạn đầu.
Triệu chứng bao gồm:
- Tắc nghẽn đường tiểu, tắc nghẽn bàng quang;
- Rối loạn tiểu tiện, tiểu không hết, còn sót nước tiểu sau khi tiểu;
- Tia tiểu yếu, không mạnh như trước;
- Tiểu không tự chủ, tiểu đêm nhiều, tiểu lẫn máu;
- Khi đã chuyển sang giai đoạn nặng, bệnh nhân đau cột sống, đau xương chậu;
- Xuất tinh có máu, đau khi xuất tinh, phù nề chi dưới;
- Bệnh nhân có thể suy thận, thiếu máu, sụt cân.
Tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới có nguy hiểm không?
Đối với nguyên nhân sinh lý, nam giới hoàn toàn không cần lo lắng vì không gây nguy hiểm. Chỉ cần các quý ông điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt phù hợp, khoa học hơn, giữ trạng thái thoải mái, không nhịn tiểu,… tình trạng này sẽ được cải thiện.
Nếu xuất phát nguyên nhân bệnh lý, nam giới không được chủ quan mà cần thăm khám và điều trị sớm. Quý ông cần xác định rõ, đây hoàn toàn không phải bệnh lý mà chỉ là triệu chứng lâm sàng cảnh báo hệ tiết niệu đang gặp vấn đề. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách và kịp thời, tiểu buốt có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Ảnh hưởng đến hệ thống đường tiết niệu dẫn tới các biến chứng như vô sinh, ung thư. Vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm qua đường tiết niệu cũng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua máu, gây ra viêm màng não hoặc viêm màng tim.
Tiểu buốt tiểu rắt nếu là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang,… không điều trị sớm sẽ diễn biến nặng. Tế bào ung thư di căn ra các bộ phận khác tước đi mạng sống người bệnh. Hệ tiết niệu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây suy thận, nhiễm trùng đường tiểu, viêm thận mạn tính,…
Tiểu buốt tiểu rắt chữa như thế nào? Có khỏi hoàn toàn không?
Cách chữa tiểu rắt tiểu buốt khỏi hoàn toàn là đến cơ sở y tế chuyên khoa y tế khám và điều trị. Thông qua xét nghiệm và khám lâm sàng, cận lâm sàng, siêu âm,… bác sĩ sẽ xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị hợp lý và hiệu quả nhất.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
- Thu thập hỏi bệnh sử: Trong buổi khám đầu tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu về các triệu chứng, thói quen và lịch sử tình dục của người bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng đau ở thận và cơ quan sinh dục. Nếu cần, bác sĩ sẽ tiến hành khám tuyến tiền liệt qua hậu môn.
- Phân tích nước tiểu: Phương pháp này cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho việc chẩn đoán. Mẫu nước tiểu của bệnh nhân sẽ được thu thập và kiểm tra trong phòng thí nghiệm để phát hiện bạch cầu, hồng cầu, đạm, đường, Nitrit…
- Nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm: Nếu cần, bác sĩ sẽ yêu cầu nuôi cấy mẫu nước tiểu để xác định loại vi khuẩn. Đây là phương pháp nhanh nhất có phác đồ điều trị bằng kháng sinh phù hợp.
- Xét nghiệm máu: Trong trường hợp người bệnh có biểu hiện sốt, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu. Mục đích đánh giá mức độ nhiễm khuẩn và xác định vi khuẩn có xuất hiện trong máu hay không.
- Chẩn đoán hình ảnh nâng cao: Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc nội soi bàng quang sẽ đánh giá được tình trạng của các cơ quan trong đường tiết niệu.
Phương pháp điều trị
Cách điều trị tiểu rắt, tiểu buốt ở nam giới đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị nội khoa
Nếu mắc các bệnh viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm thận…, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh đường uống. Thuốc kháng sinh cũng được áp dụng cho các trường hợp mắc bệnh lây qua đường tình dục. Mỗi bệnh nhân sẽ có đơn thuốc, liều lượng điều trị khác nhau tùy thuộc vào bệnh sử, tình hình bệnh lý. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh uống khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Không chỉ cản trở việc điều trị mà còn khiến vi khuẩn kháng thuốc, bệnh tình nặng hơn.
Tiêm thuốc
Người bệnh có biểu hiện sốt, ớn lạnh và nôn mửa kèm theo tiểu buốt tiểu rắt chứng tỏ bệnh đã sang mãn tính và nặng. Lúc này, bệnh nhân buộc phải nhập viện để tiện cho quá trình điều trị. Tác nhân gây bệnh đã thâm nhập vào nhiều cơ quan trong hệ tiết niệu và khó tiêu diệt hơn rất nhiều. Bác sĩ buộc phải nuôi cấy mẫu bệnh để tìm ra kháng sinh phù hợp trị bệnh. Trong trường hợp này, điều trị bằng đường uống không hiệu quả. Người bệnh buộc phải truyền kháng sinh bằng đường tĩnh mạch. Nếu mắc bệnh xã hội, bắt buộc phải điều trị cả đối tác tình dục.
Nếu mắc bệnh lý ác tính, ngoài điều trị nội khoa, bệnh nhân phải truyền hóa chất hoặc hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi người bệnh phải giữ tâm trạng thoải mái, giữ vững tinh thần để kết quả điều trị diễn ra thuận lợi hơn.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới do u xơ hoặc tế bào ác tính buộc phải phẫu thuật, bác sĩ sẽ hội chất và chỉ định phẫu thuật ngoại khoa loại bỏ khối u. Tránh khối u di căn, quá lớn đe dọa đến tính mạng người bệnh
Cách chữa tiểu rắt tiểu buốt đơn giản hay phức tạp tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh và tính chuyên môn của cơ sở y tế nơi người bệnh lựa chọn khám và chữa. Do đó, quý ông cần đến cơ sở y tế chuyên khoa, uy tín, được cấp phép hoạt động để hạn chế rủi ro y tế không đáng có.
Cách phòng ngừa và giảm tiểu rắt tiểu buốt hiệu quả
Để ngăn ngừa và giảm tiểu rắt, chuyên gia tiết niệu khuyến cáo nam giới:
- Uống đủ lượng nước hàng ngày, phù hợp với nhu cầu của cơ thể, được ước lượng khoảng 40ml/kg trọng lượng cơ thể.
- Thực hiện vệ sinh cá nhân đúng cách sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
- Tránh mặc quần áo ướt, quần áo chưa được giặt sạch và phơi khô để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể chất thường xuyên để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng và lo lắng để duy trì sức khỏe tốt nhất có thể.
- Tới cơ sở y tế chuyên khoa ngay lập tức để được kiểm tra và điều trị.
Hi vọng qua bài viết hôm nay, anh em đã có cái nhìn cơ bản về nguyên nhân gây tiểu buốt tiểu rắt ở nam giới. Đây có thể là triệu chứng bệnh lý lành tính do viêm nhiễm hệ tiết niệu. Nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tế bào ác tính đang tấn công cơ thể. Tuyệt đối không chủ quan, đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám và có phương pháp chữa tiểu rắt hiệu quả, an toàn. Chúc bạn sớm bình phục, nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ ngay với Phòng khám Đa khoa Quốc tế Hà Nội để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn giải đáp.