STD là gì? [3 điều bạn phải biết về bệnh lây truyền qua đường tình dục]
STD, STDs, STD STI là những thuật ngữ chỉ nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục kém an toàn do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra. Vậy, STD là gì? Chi tiết có trong bài viết dưới đây.
Mục lục:
STD là gì?
STD là gì? STD, STDs, STD STI đều là thuật ngữ chỉ các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Cụ thể là quan hệ bằng miệng, âm đạo, hậu môn hoặc tiếp xúc với bộ phận sinh dục có tác nhân gây bệnh. Tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng tồn tại trong dịch tiết âm đạo, tinh dịch và các loại dịch khác của người bệnh. Các bệnh này dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp.
Bên cạnh đó, STD cũng lây theo đường từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc sinh con. Thông qua tiếp xúc máu trực tiếp, dùng chung bơm kim tiêm, qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, tỷ lệ này ít hơn nhiều so với việc quan hệ tình dục kém an toàn.
Phần lớn bệnh STD có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nhiều người e ngại việc đi khám và điều trị sớm, thường có xu hướng giấu bệnh. Khi bệnh STD phát triển nặng, có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và tình dục Ngoài ra, những người mắc STD có nguy cơ cao nhiễm HIV – căn bệnh thế kỷ ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch.
Triệu chứng bệnh lây qua đường tình dục
Dấu hiệu của STDs ở nam giới
Người bệnh có thể mang STDs mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số STDs có thể gây ra các dấu hiệu rõ ràng. Ở nam giới, những dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Cảm giác đau hoặc không thoải mái trong quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu.
- Xuất hiện lở loét, nốt phát ban hoặc sưng tại dương vật, tinh hoàn, hậu môn, vùng mông, đùi hoặc miệng.
- Tiết dịch bất thường hoặc chảy máu từ dương vật.
- Đau hoặc sưng tại tinh hoàn.
Dấu hiệu của STDs ở phụ nữ
Trong nhiều trường hợp, STDs không gây ra các dấu hiệu rõ ràng. Một số dấu hiệu STD phổ biến ở phụ nữ gồm:
- Đau hoặc không thoải mái trong quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu.
- Xuất hiện lở loét, nốt phát ban hoặc sưng tại âm đạo, hậu môn, vùng mông, đùi hoặc miệng.
- Tiết dịch bất thường hoặc chảy máu từ âm đạo.
- Cảm giác ngứa ở hoặc xung quanh âm đạo.
Một số bệnh STDs phổ biến hiện nay
STD do vi khuẩn
Bệnh Chlamydia
Chlamydia là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường sinh dục. Giai đoạn đầu, triệu chứng ở cả nam và nữ giới thường rất mờ nhạt và khó phát hiện. Thường thì triệu chứng sẽ xuất hiện sau vài tuần tiếp xúc với Chlamydia.
- Ở nữ giới, những triệu chứng bao gồm đau bụng dưới, dịch âm đạo bất thường có dính dịch mủ, mùi hôi tanh, đau khi quan hệ, chảy máu giữa các thời kỳ,…
- Ở nam giới, các triệu chứng có thể bao gồm đi tiểu đau, buốt, đau tinh hoàn,…
Xét nghiệm Chlamydia thường được thực hiện trên mẫu nước tiểu hoặc mẫu dịch dương vật của nam giới, cổ tử cung của nữ giới. Để thu thập mẫu dịch này, bác sĩ thường sử dụng tăm bông để lấy, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích tìm mẫu virus hoặc kháng nguyên.
Bệnh lậu
Bệnh lậu là một trong những bệnh STD thường gặp, tác nhân là do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. Chúng có thể gây nhiễm trùng ở cơ quan sinh dục, hậu môn, mắt, miệng và cổ họng. Sau khoảng 10 ngày tiếp xúc với khuẩn gây bệnh, người bệnh sẽ có những triệu chứng đầu tiên và nặng dần theo diễn biến bệnh.
Các triệu chứng bao gồm:
- Xuất hiện chất dịch đặc, đục, có màu từ dương vật hoặc âm đạo;
- Cảm giác nóng rát, đau khi đi tiểu;
- Đau, sưng tinh hoàn;
- Chảy máu kinh nguyệt nặng do tổn thương phụ khoa hoặc chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh;
- Ngứa hậu môn, nhu động ruột.
Để xét nghiệm bệnh lậu, bác sĩ cũng có thể lấy nước tiểu hoặc dịch sinh dục từ dương vật của nam giới hoặc cổ tử cung của nữ giới.
Bệnh giang mai
Giang mai là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Treponema pallidum gây nên. Bệnh ảnh hưởng đến da, niêm mạc và cơ quan sinh dục của người bệnh. Trong các trường hợp không được điều trị triệt để, vi khuẩn có thể lan qua máu tấn công nhiều cơ quan nội tạng, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Bệnh giang mai tiến triển qua 3 giai đoạn: nguyên phát, thứ phát và giai đoạn cuối. Triệu chứng tương ứng của từng giai đoạn là khác nhau. Triệu chứng của giang mai thường biểu hiện rõ nhất ở bộ phận sinh dục, trực tràng, lưỡi hoặc môi. Cụ thể: xuất hiện phát ban đỏ hoặc nâu, cảm giác mệt mỏi, tê liệt, suy giảm trí tuệ, mù, hạch bạch huyết mở rộng,…
So với hai bệnh STD khác, xét nghiệm giang mai thường được thực hiện trên mẫu máu của người bệnh hoặc tăm bông thu thập dịch từ vết loét sinh dục.
STD do virus
Viêm gan B và C
Dù virus gây bệnh viêm gan B, C có nhiều nguồn lây khác nhau, nhưng đường lây truyền qua quan hệ tình dục cũng gặp tỉ lệ khá cao. Vì vậy, nhiều chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo kiểm tra virus viêm gan B, C khi thực hiện kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một số người nhiễm virus nhưng không phát triển triệu chứng, trong khi có người có biểu hiện viêm gan và tổn thương gan sớm như:
- Đau bụng khu vực gan;
- Ăn không ngon, đau cơ, vàng da;
- Tròng mắt vàng;
- Buồn nôn, ói mửa;
- Cơ thể mệt mỏi, nước tiểu đậm,…
Xét nghiệm viêm gan B và C thường được thực hiện trên mẫu máu của người bệnh, qua kiểm tra kháng nguyên hoặc kháng thể trong máu.
HPV (papillomavirus ở người)
Virus gây u nhú ở người (HPV) là một loại virus có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc da hoặc quan hệ tình dục. Có nhiều chủng virus khác nhau, một số chủng virus nguy hiểm hơn những chủng khác. Triệu chứng phổ biến nhất của HPV là mụn cóc ở bộ phận sinh dục, miệng hoặc cổ họng. Một số chủng nhiễm HPV có thể dẫn đến ung thư, bao gồm: ung thư miệng, cổ tử cung, âm hộ, dương vật, trực tràng.
Trong khi hầu hết các trường hợp nhiễm virus không phát triển thành ung thư, vẫn có một số chủng virus có khả năng gây ung thư. Theo Viện Ung thư Quốc gia, hầu hết các trường hợp ung thư liên quan đến HPV ở Hoa Kỳ là do HPV 16 và HPV 18, chiếm 70% tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Mụn rộp
Herpes là tên viết tắt của virus herpes simplex (HSV). Có hai chủng chính là HSV-1 và HSV-2. Cả hai có khả năng lây lan qua đường tình dục và là các STDs rất phổ biến.
HSV-1 thường gây mụn rộp ở miệng, nhưng cũng có thể được truyền từ miệng sang bộ phận sinh dục khi có quan hệ tình dục bằng miệng, gây ra mụn rộp sinh dục.
HSV-2 thường gây mụn rộp sinh dục. Triệu chứng phổ biến nhất của herpes là vết loét phồng rộp ở bộ phận sinh dục. Nếu quan hệ tình dục bằng miệng, mụn rộp sẽ phát triển trên hoặc xung quanh miệng.
HIV/AIDS
HIV là hội chứng khiến hệ miễn dịch ở người suy giảm. Tác nhân do virus HIV gây ra (Human Immunodeficiency Virus). Khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh, virus nhân lên nhanh chóng và tấn công hệ miễn dịch của người bệnh. Khiến hệ miễn dịch bị suy giảm trầm trọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn lạ xâm nhập gây hại cho con người.
Ở thời kỳ đầu, HIV chưa có triệu chứng rõ rệt. Sau 2 đến 4 tuần từ lúc phơi nhiễm, người bệnh bắt đầu nổi hạch, phát ban, ho, viêm họng, đau đầu, mỏi cơ, buồn nôn, sưng lá lách và sụt cân nghiêm trọng.
Ở giai đoạn tiềm ẩn, virus chuyển sang giai đoạn mạn tính. Giai đoạn này kéo dài từ vài tuần đến vài năm, có người hơn 20 năm tùy vào quá trình điều trị của người bệnh. Thời kỳ này, bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Hạch bạch huyết thường xuyên bị viêm do bảo vệ cơ thể khỏi virus.
Ở giai đoạn cuối, bệnh chuyển sang AIDS, virus tấn công và làm suy giảm hệ miễn dịch. Miễn dịch trung gian qua tế bào bị vô hiệu hóa. Đây là điều kiện để các vi sinh vật khác gây nhiễm trùng cho người bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh nhân hầu hết nhiễm nấm Candida species ở miệng, viêm phổi do nấm, bệnh lao, bùng phát virus herpes gây ung thư hạch bạch huyết. Dễ bị tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến giai đoạn 3 của HIV, gọi là AIDS. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị hiện nay, nhiều người nhiễm HIV không phát triển thành AIDS.
Trichomonas
Trichomonas (hay còn gọi là Trich) thuộc nhóm STD gây ra bởi ký sinh trùng đơn bào Trichomonas vagis. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chưa đến 1/3 số người mắc bệnh Trichomonas xuất hiện triệu chứng. Nếu có triệu chứng, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu sau:
- Dịch tiết từ âm đạo hoặc dương vật nhiều;
- Nóng rát hoặc ngứa xung quanh vùng kín;
- Đau hoặc khó chịu khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục;
- Đi tiểu thường xuyên.
- Dịch tiết thường có mùi khó chịu hoặc mùi cá.
Nếu không được điều trị, Trichomonas có thể gây nhiễm trùng niệu đạo, viêm vùng chậu và khó thụ thai. Bệnh này có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Xét nghiệm bệnh tình dục bằng cách nào?
Trong phần lớn các trường hợp, chỉ cần dựa trên các dấu hiệu cơ bản, các bác sĩ đã có thể đưa ra chẩn đoán về STDs. Dựa vào lịch sử quan hệ tình dục, bác sĩ có thể đề xuất xét nghiệm STDs ngay cả khi không có triệu chứng. Điều này là do STDs thường không gây ra các triệu chứng đáng chú ý trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng, STDs vẫn có thể gây hại cho sức khỏe và lây nhiễm cho người khác.
STDs thường được thực hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu hoặc máu. Ngoài ra, có thể thu thập mẫu xét nghiệm bằng cách sử dụng bông gòn để quẹt vào bộ phận sinh dục. Trong trường hợp xuất hiện các vết loét, cũng có thể tiến hành xét nghiệm tại vị trí loét.
Bộ kit xét nghiệm tại nhà cũng được sử dụng để kiểm tra một số STDs. Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.
Tạm kết
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn về thuật ngữ “STD là gì” và các căn bệnh STD phổ biến hiện nay. Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, bạn cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được xét nghiệm bệnh tình dục. Từ đó có phương án điều trị phù hợp. STD nếu điều trị sớm hoàn toàn có thể chữa trị khỏi, ngược lại nếu e ngại dấu bệnh sẽ chỉ khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn.