Mất kinh nguyệt do đâu? Khắc phục bằng cách nào?
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý ở nữ giới, bắt đầu ở tuổi dậy thì và kéo dài cho tới giai đoạn mãn kinh. Mất kinh nguyệt là vấn đề cần được nữ giới đặc biệt quan tâm bởi nó phản ánh sức khỏe sinh sản của chị em. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất kinh nguyệt? Làm thế nào để khắc phục hiệu quả?
Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ các thông tin liên quan đến tình trạng mất kinh nguyệt ở nữ giới. Cùng theo dõi để bổ sung thêm thông tin nhé!
Mục lục:
Mất kinh nguyệt là như thế nào?
Mất kinh nguyệt là tình trạng không hành kinh trong một thời gian quy định. Mất kinh có thể chia thành 2 dạng:
- Mất kinh nguyên phát: Là tình trạng nữ giới không có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì. Dù đã có những dấu hiệu dậy thì khác nhưng vẫn không có kinh nguyệt.
- Mất kinh thứ phát: Là tình trạng bạn đang có kinh nguyệt bình thường nhưng sau đó không có kinh từ 3 tháng trở lên. Mất kinh ở dạng này thường gặp hơn.
Ngoài xảy ra hiện tượng không có kinh nguyệt, chị em khi mất kinh còn có các triệu chứng khác như:
- Râu và lông cơ thể phát triển.
- Núm vú tiết dịch bất thường.
- Rụng tóc.
- Đau đầu, mệt mỏi, suy giảm thị lực.
- Mụn trứng cá nhiều và khó trị dứt điểm.
Tổng hợp nguyên nhân dẫn tới mất kinh nguyệt
Nguyên nhân khiến nữ giới không có kinh nguyệt trong 3 tháng có thể do sinh lý (mang thai, cho con bú, tâm lý,…). Nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh bảo bệnh lý phụ khoa, cần phải can thiệp sớm để bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Dưới đây là những nguyên nhân gây mất kinh nguyệt phổ biến:
Mang thai
Mang thai là nguyên nhân gây mất kinh thường gặp ở nữ giới trước giai đoạn mãn kinh. Khi trứng thụ tinh thành công, di chuyển và làm tổ trong buồng tử cung, lớp niêm mạc tử cung sẽ không bị đào thải ra bên ngoài nên không xảy ra kinh nguyệt.
Thêm vào đó, trong quá trình mang thai, do sự thay đổi của hormone nội tiết nên quá trình rụng trứng không xảy ra. Vì thế trong suốt quá trình mang thai, 9 tháng 10 ngày, chị em sẽ không có kinh nguyệt.
Cho con bú
Những chị em đang trong giai đoạn cho em bé uống sữa hoàn toàn bằng cách ti vú mẹ thì thường sẽ không có kinh nguyệt trong suốt thời gian này. Lý giải điều này là do, hormone Prolactin sẽ hoạt động mạnh để tạo ra sữa mẹ. Trong khi loại hormone này ngăn cản quá trình rụng trứng, nên xuất hiện tình trạng mất kinh.
Tuy chị em bị mất kinh ở giai đoạn cho con bú nhưng nếu quan hệ tình dục không an toàn thì vẫn có khả năng mang thai. Vì thế, hãy dùng biện pháp ngừa thai nếu quan hệ để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Mất kinh đột ngột do mãn kinh sớm
Thời kỳ mãn kinh là một phần tất yếu của quá trình lão hóa, thường xảy ra khi nữ giới bước vào độ tuổi 50 trở đi. Tuy nhiên, có không ít trường hợp chị em trước 40 tuổi nhưng đã bước vào giai đoạn mãn kinh. Trường hợp này gọi là mãn kinh sớm hay suy buồng trứng.
Lúc này, nồng độ Estrogen trong cơ thể bị suy giảm đáng kể, trứng sinh ra gần như không còn nên không xảy ra hiện tượng hành kinh.
Cân nặng thay đổi đột ngột gây mất kinh nguyệt
Những thay đổi về cân nặng như giảm cân/tăng cân đột ngột đều có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Việc giảm cân hay tăng cân quá nhanh đều có thể làm mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, dẫn tới rối loạn kinh nguyệt.
Cụ thể, với những chị em thừa cân dễ xảy ra tình trạng rong kinh, còn với trường hợp thiếu cân thì dễ cảy ra tình trạng mất kinh.
Căng thẳng, stress trong thời gian dài
Căng thẳng, lo lắng quá độ trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng điều tiết các hormone sinh sản của vùng dưới đồi thuộc não bộ. Đây là khu vực kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
Do đó, nếu vùng dưới đồi bị rối loạn thì chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, hormone sinh ra để thích ứng với tình trạng stress sẽ cản trở quá trình sản xuất hormone kích thích rụng trứng. Dần dần dẫn tới rối loạn quá trình rụng trứng, tạm ngưng chu kỳ kinh nguyệt.
Tác dụng phụ của thuốc
Thuốc có tác dụng điều trị bệnh nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mất kinh nguyệt ở nữ giới. Trong đó phải kể đến thuốc tránh thai nội tiết – một biện pháp ngừa thai được đông đảo nữ giới áp dụng nhưng lại có khả năng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh của chị em. Các biện pháp tránh thai khác cũng có thể khiến nữ giới bị mất kinh nguyệt.
Ngoài thuốc tránh thai, một số thuốc như tuyến giáp, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc chống loạn thần và một số loại thuốc hóa trị cũng có thể gây mất kinh nguyệt ở nữ.
Sẹo tử cung
Sẹo tử cung có thể hình thành do quá trình nạo phá thai không an toàn hay điều trị u xơ tử cung. Vết sẹo ở tử cung khiến niêm mạc tử cung bị dính lại, lòng tử cung trở nên hẹp hơn,…Điều này ngăn ngừa sự tích tụ và bong ra bình thường của niêm mạc tử cung, khiến chị em bị mất kinh nguyệt.
Thiếu cơ quan sinh dục
Đôi khi trong quá trình phát triển của thai nhi phát sinh một vài vấn đề dẫn đến một bé gái được sinh ra mà không có một phần chính của hệ thống sinh sản, chẳng hạn như tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo.
Bởi vì hệ thống sinh sản của không phát triển bình thường nên dù nội tiết hoạt động bình thường thì rất khó để có chu kỳ kinh nguyệt.
Mắc đa nang buồng trứng khiến chị em mất kinh nguyệt
Đa nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa có tỷ lệ mắc lớn ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Khi quan sát hình ảnh trên màn hình qua siêu âm, bạn có thể nhìn thấy nhiều khối u nang nhỏ lành tính hiện diện tại buồng trứng.
Bệnh đa nang buồng trứng làm gia tăng các nội tiết tố nam, sản xuất thừa hormone androgen, từ đó làm mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Dẫn tới chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, trứng có thể rụng thường xuyên hoặc không.
Vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp có vai trò sản xuất hormone triiodothyronin và thyroxin. Hai hormone này đều tham gia điều tiết quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu sự chuyển hóa này bị rối loạn thì các hormone nội tiết như estrogen, progesterone và testosterone cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể:
- Khi mắc bệnh cường giáp (xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức) khiến nồng độ các hormone tuyến giáp tăng cao. Những người bị bệnh này thường gặp hiện tượng chậm kinh, thậm chí là mất kinh.
- Khi mắc bệnh suy giáp (là khi tuyến giáp hoạt động kém) không sản sinh đủ hormone phục vụ cho nhu cầu của cơ thể. Phụ nữ khi bị suy giáp hay có dấu hiệu rong kinh, cơ thể mệt mỏi do mất máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt.
Khối u tuyến yên
Tuyến yên có nhiệm vụ chính là sản xuất, giải phóng những loại hormone giúp cơ thể thực hiện một số chức năng quan trọng. Hormone tạo hoàng thể (LH) – kích thích trứng rụng, Hormone kích thích nang trứng (FSH) – kích thích buồng trứng phát triển và sản xuất Estrogen, là 2 trong những loại hormone do tuyến yên sinh ra.
Vì thế, sự xuất hiện của khối u (thường lành tính) tại tuyến yên có thể ngăn cản quá trình sản xuất các hormone này. Buồng trứng không phát triển, trứng không rụng dẫn tới không có kinh nguyệt. Dẫn tới hiện tượng mất kinh.
Các bệnh lý khác
Các bệnh cấp tính như nhồi máu cơ tim, viêm phổi, suy thận hoặc viêm màng não có thể dẫn đến rối loạn chức năng hormone. Từ đó khiến chu kỳ kinh bị ảnh hưởng, chị em nữ giới có thể bị mất kinh trong thời gian điều trị bệnh.
Mất kinh nguyệt ảnh hưởng như nào tới sức khỏe sinh sản của nữ giới?
Mất kinh (không phải do mang thai hay cho con bú), điều đó có nghĩa trứng không rụng, quá trình thụ thai không thể diễn ra. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng có con gần như bằng không.
Do đó, chị em tuyệt đối không được chủ quan trước tình trạng mất kinh. Cần thăm khám và điều trị sớm để đảm bảo sức khỏe sinh sản, khả năng làm mẹ về sau.
Mất kinh nguyệt 1 tháng có sao không?
Mất kinh nguyệt 1 tháng (còn có thể gọi là trễ kinh 1 tháng) có sao không còn tùy thuộc vào từng trường hợp.
Nếu mất kinh 1 tháng nhưng không kèm theo các triệu chứng bất thường thì có thể không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nữ giới. Tuy nhiên, trường hợp mất kinh 1 tháng không xảy ra ở những những đối tượng như nữ giới trong thời kỳ dậy thì, mãn kinh hoặc mang thai, thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe bạn nên chú ý. Nhất là khi, tình trạng chậm kinh diễn ra thường xuyên và kéo dài.
Cách chữa mất kinh nguyệt
Cách chữa mất kinh nguyệt hiệu quả nhất là dựa vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Vì thế, bạn cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Sau quá trình thăm khám, xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp khắc phục tình trạng mất kinh nguyệt hiệu quả.
- Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê một số thuốc điều hòa nội tiết cho chị em. Khi nội tiết trong cơ thể ổn định, cân bằng sẽ kích thích trứng rụng và kinh nguyệt sẽ trở lại. Trường hợp mắc bệnh về tuyến giáp, u tuyến yên bác sĩ sẽ kê loại thuốc đặc hiệu để khắc phục triệu chứng của bệnh.
- Can thiệp ngoại khoa: Trường hợp mất kinh do bệnh lý ở giai đoạn nặng, dùng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bên cạnh việc điều trị bằng cách can thiệp y tế, người bệnh cũng cần xây dựng lối sống khoa học để ngăn ngừa tình trạng mất kinh tái phát:
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, vui vẻ
- Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc
- Duy trì cân nặng vừa phải
- Luyện tập thể thao thường xuyên, vừa sức
- Ăn uống lành mạnh, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng
- Dùng thuốc tránh thai theo chỉ dẫn của bác sĩ
Trên đây là những thông tin về tình trạng mất kinh nguyệt ở nữ giới. Nếu bạn còn băn khoăn, thắc mắc liên quan đến mất kinh nguyệt, hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline để được hỗ trợ giải đáp nhanh nhất!