BUỒNG TRỨNG ĐA NANG-TẤT TẦN TẬT NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT
Buồng trứng đa nang là bệnh lý phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Bệnh gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh. Nguy hiểm hơn, nếu không điều trị sớm thì bệnh có thể dẫn đến tình trạng vô sinh – hiếm muộn ở nữ giới.
Bởi vậy, mọi nữ giới trong độ tuổi sinh sản nên cảnh giác hơn nữa với hội chứng nguy hiểm này. Các bạn cần trang bị thêm những kiến thức về hội chứng đa nang buồng trứng như: nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng nhận biết hay cách chữa trị hiệu quả… Nó sẽ giúp bạn bảo vệ được sức khỏe của bản thân.
Mục lục:
Buồng trứng đa nang là gì?
Buồng trứng đa nang hay đa nang buồng trứng (tiếng Anh là Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là một căn bệnh rối loạn nội tiết tố ở nữ. Bệnh phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản (từ 15 – 44 tuổi) với tỷ lệ mắc bệnh được ước tính là từ 12 – 18% nữ giới trong độ tuổi này.
Khi mắc bệnh, chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới bị rối loạn, tăng nồng độ nội tiết tố nam dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ bên trong cơ thể phụ nữ. Khi đó, dù số lượng trứng trong nang phát triển nhiều nhưng không chứa trứng hoặc trứng không phát triển được ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh.
Thêm nữa, trứng cũng không thể ra ngoài nang trứng và vì vậy sẽ không có hiện tượng phóng noãn cần thiết để thụ thai và mang thai. Bệnh có thể xảy ra ở nữ giới trước khi mang thai nhưng cũng có thể xảy ra ở phụ nữ đã từng sinh con.
Tại sao bị buồng trứng đa nang?
Tại sao bị đa nang buồng trứng hay nguyên nhân dẫn đến đa nang buồng trứng là câu hỏi được nhiều chị em thắc mắc. Tuy nhiên, hiện nay nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên có một vài yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh như:
Tuổi dậy thì
Khi bước vào tuổi dậy thì, cơ thể của bé gái rất dễ gặp phải tình trạng rối loạn nội tiết tố. Lúc này chức năng sản xuất hormone của buồng trứng không ổn định, các nang trứng không thể phát triển bình thường và gây bệnh đa nang buồng trứng.
Nguyên nhân gây đa nang buồng trứng do yếu tố di truyền
Nguyên nhân gây đa nang buồng trứng đầu tiên phải kể đến là do yếu tố di truyền.
Cụ thể, nếu trong gia đình có người thân như mẹ, chị em gái mắc bệnh thì bạn có cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.
Kháng insulin tăng nguy cơ mắc buồng trứng đa nang
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất, có nhiệm vụ chuyển hóa carbohydrate và lipid thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Ngoài ra, Insulin còn là chất duy nhất có tác dụng có tác dụng giúp giảm nồng độ Glucose trong máu – giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, một số nữ giới có thể gặp các vấn đề liên quan đến kháng Insulin, nghĩa là các tế bào trong cơ thể không thể sử dụng lượng insulin đúng cách. Điều này khiến lượng đường (Glucose) trong máu tăng cao, lúc này cơ thể lại kích thích sản sinh lượng Insulin nhiều hơn để giảm lượng đường trong máu. Hệ quả là Insulin dư thừa do không được sử dụng sẽ kích thích buồng trứng tăng sản xuất nội tiết nam giới, dẫn đến đa nang buồng trứng (theo thống kê, có đến 70% nữ giới mắc bệnh có hiện tượng kháng insulin trong cơ thể.)
Nữ giới có lối sống ít vận động, ăn uống không lành mạnh, tâm thần, căng thẳng, béo phì… sẽ làm tăng nguy cơ kháng insulin và có thể gây ra đa nang buồng trứng lẫn bệnh tiểu đường tuýp 2.
Chế độ ăn uống
Một vài giả thuyết cho rằng chế độ ăn uống quá nhiều tinh bột có thể là yếu tố góp phần dẫn đến hội chứng đa nang buồng trứng.
Dấu hiệu hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là bệnh khó phát hiện, một vài người chỉ biết mình mắc bệnh khi đi khám do gặp các vấn đề về sinh sản. Nguyên do là bởi các triệu chứng của bệnh không có hoặc không rõ ràng. Tuy nhiên một vài nữ giới sẽ có các dấu hiệu của bệnh từ rất sớm ngay trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
Các dấu hiệu buồng trứng đa nang rất dễ nhận biết. Chị em có thể nhận biết mình có mắc bệnh hay không qua những biểu hiện dưới đây:
Kinh nguyệt không đều
Chu kỳ kinh nguyệt không đều, kéo dài bất thường là dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh. Bởi bệnh gây rối loạn nội tiết tố bên trong cơ thể của phụ nữ, dẫn tới quá trình rụng trứng gặp trụng trặc, niêm mạc tử cung không bong ra hàng tháng. Ngoài rối loạn về chu kỳ kinh nguyệt, đôi khi người bệnh sẽ phải đối mặt với hiện tượng lượng máu trong kỳ kinh nhiều hơn bình thường.
Lông tóc phát triển quá mức
Hiện tượng rậm lông ở nữ giới (bao gồm lông mặt, lưng, bụng và ngực…) phát triển hơn mức bình thường – gần 70% người bệnh buồng trứng đa nang gặp phải hiện tượng này. Mặt khác, nhiều người còn gặp phải tình trạng hói đầu do nang tóc yếu, tóc rụng nhiều, mỏng và thưa dần. Cả hai hiện tượng này đều do sự tăng quá mức của hormone nam trong cơ thể – nguyên nhân dẫn đến tình trạng buồng trứng đa nang
Béo phì
Như đã nói ở trên, tình trạng kháng insulin trong cơ thể có liên quan mật thiết đến tình trạng béo phì. Do đó phụ nữ bị thừa cân sẽ rất dễ bị hội trứng buồng trứng đa nang (theo nghiên cứu có đến 80% phụ nữ bị buồng trứng đa nang gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì)
Da nhờn, xuất hiện mụn trứng cá
Nồng độ nội tiết tố nam tăng lên khiến da tiết dầu nhiều hơn bình thường do đó xuất hiện nhiều mụn trứng cá ở các vị trí như mặt, lưng, ngực…
Sạm da
Có thể xuất hiện các mảng da sẫm màu ở các khu vực có nhiều nếp gấp như cổ, bẹn và dưới vú.
Nhức đầu
Rối loạn hormone bên trong cơ thể có thể dẫn đến tình trạng nhức đầu.
Tâm trạng thay đổi thất thường
Do ảnh hưởng của việc thay đổi hormone mà phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang sẽ thường xuyên thấy căng thẳng, lo âu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.
Cảm giác đau và khó chịu ở vùng chậu
Một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh là cảm giác đau âm ỉ từ nhẹ đến dữ dội tại vùng chậu. Mặt khác, vùng bụng, chậu và lưng dưới của người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng tương tự.
Đa nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của chị em thì đa nang buồng trứng có nguy hiểm không? Câu trả lời là có.
Bác sĩ CKI Bùi Thị Hường, phòng khám đa khoa quốc tế Hà Nội cho biết, khi mắc buồng trứng đa nang thì nồng độ Androgen trong cơ thể người bệnh cao hơn bình thường, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cùng nhiều khía cạnh khác của bệnh. Các biến chứng thường gặp của hội chứng này bao gồm:
Khó mang thai
Hiện tượng đa nang buồng trứng là hiện tượng hàng đầu gây ra tình trạng vô sinh – hiếm muộn ở nữ giới. Bởi khi mắc, bệnh sẽ làm rối loạn quá trình rụng trứng, làm giảm cơ hội mang thai.
Rối loạn chuyển hóa
Đa nang buồng trứng có thể dẫn đến hội chứng rối loạn chuyển hóa. Khi tình trạng này xảy ra, cơ thể sẽ gặp bất thường trong quá trình trao đổi và chuyển hóa các chất. Dẫn đến một vài chất có nồng độ cao trong cơ thể và gây ra các tình trạng như tăng huyết áp, đường huyết cao cholesterol HDL thấp, cholesterol LDL cao…
Khi bị rối loạn chuyển hóa, nữ giới sẽ dễ mắc thêm các bệnh như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường tuýp 2…
Ngưng thở lúc ngủ
Ngưng thở lúc ngủ là tình trạng người bệnh đột ngột ngừng thở trong một khoảng thời gian ngắn khi ngủ, chúng sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Tình trạng này ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh, làm suy giảm chất lượng sống và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Ngưng thở khi ngủ dễ xảy ra ở người bệnh thừa cân, béo phì. Đặc biệt, phụ nữ béo phì mắc đa nang buồng trứng sẽ có nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cao gấp 5 – 10 lần so với bình thường.
Ung thư nội mạc tử cung
Lớp niêm mạc trong tử cung sẽ bong ra theo chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên khi mắc đa nang buồng trứng, lớp niêm mạc này sẽ không rụng đều hàng tháng. Dần dần, lớp niêm mạc sẽ tích tụ, dày lên làm tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung.
Stress, áp lực
Thay đổi về ngoại hình như hói đầu, rậm lông, sạm da, thừa cân… có thể ảnh hưởng tới cảm xúc và tinh thần của người phụ nữ. Họ sẽ thường xuyên lo lắng, buồn phiền và đặc biệt là dễ bị trầm cảm.
Chẩn đoán buồng trứng đa nang
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử và bệnh lý của bệnh nhân như tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình. Các câu hỏi thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi trong cân nặng…
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ khám kiểm tra các dấu hiệu thường thấy của bệnh như lông, tình trạng kháng insulin và một số triệu chứng khác. Dựa vào kết quả thăm khám ban đầu và khai thác tiền sử bệnh bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm như:
Bên cạnh đó, bác sĩ khám các dấu hiệu khác như mụn trứng cá, sự phát triển của lông, tình trạng kháng insulin và một số triệu chứng khác mà người bệnh gặp phải. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: giúp đo và phân tích nồng độ hormone bên trong cơ thể, từ đó bác sĩ có thể loại trừ được các trường hợp rối loạn kinh nguyệt hoặc tăng Androgen tương tự như bệnh đa nang buồng trứng. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn cho kết quả mức độ dung nạp glucose, lượng cholesterol và triglyceride lúc đói
- Siêu âm: siêu âm cho ra hình ảnh của buồng trứng và độ dày của niêm mạc tử cung giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng của buồng trứng để có phương án điều trị phù hợp.
Nếu được chẩn đoán mắc phải tình trạng buồng trứng đa nang thì người bệnh có thể sẽ được chỉ định làm thêm các xét nghiệm bổ sung như:
- Kiểm tra huyết áp, dung nạp glucose, mức cholesterol và triglycerid định kỳ
- Tầm soát trầm cảm và lo âu.
- Tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Các phương pháp điều trị buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Khi bị chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh cần có kế hoạch điều trị cụ thể càng sớm càng tốt theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Phác đồ điều trị bệnh cho người bị đa nang buồng trứng phụ thuộc vào tình trạng bệnh, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng với từng phương pháp điều trị. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh, cụ thể:
Giảm cân
Nghiên cứu cho thấy việc giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện các triệu chứng của bệnh đa nang buồng trứng.
Ăn kiêng
Chế độ ăn uống ít carbohydrate có hiệu quả trong việc giảm cân và giảm mức insulin trong cơ thể. Điều này là cần thiết đối với người bệnh đa nang buồng trứng vì việc tiết ra quá nhiều insulin để điều chỉnh lượng glucose trong máu sẽ kích thích sản xuất hormone nam.
Tập thể dục
Một số nghiên cứu chứng minh rằng việc tập thể dục cường độ vừa phải trong 30 phút/ngày, ít nhất 3 ngày/tuần sẽ giúp phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng đa nang cải thiện quá trình rụng trứng và ổn định lượng insulin ở phụ nữ. Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp nữ giới giảm cân.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng trong việc điều trị bệnh như:
- Thuốc tránh thai: thuốc tránh thai hàng ngày bao gồm estrogen và progestin giúp cân bằng hormone trong cơ thể của người bệnh, điều chỉnh quá trình rụng trứng, giảm các triệu chứng của bệnh.
- Metformin: giúp điều trị tình trạng buồng trứng đa nang bằng cách cải thiện mức insulin. Để sử dụng tốt thuốc thì người bệnh cần kết hợp với thay đổi chế độ ăn và vận động.
- Clomiphene (Clomid): thuốc có tác dụng hỗ trợ sinh sản, kích thích noãn phóng cho phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng có thể mang thai.
Lưu ý, người bệnh không nên sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh các biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc.
Phẫu thuật nội soi buồng trứng
Khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi buồng trứng nhằm cải thiện khả năng sinh sản của người bệnh. Phẫu thuật này sẽ cắt góc buồng trứng để bề mặt buồng mở ra, tạo điều kiện thuận lợi cho rụng trứng hoặc tạo ra các lỗ nhỏ ở buồng trứng – giúp giảm nồng độ hormone nam giới, cân bằng lượng hormone bên trong cơ thể, kích thích sự rụng trứng.
Phương pháp này chỉ có hiệu quả tạm thời do chữa ngọn không chữa gốc (không giải quyết được nguyên nhân chính gây đa nang buồng trứng). Tuy nhiên, đây là phương pháp giúp người bệnh có thể mang thai bình thường trở lại – hơn 50% người bệnh có thể mang thai trong vòng 1 năm kể từ khi phẫu thuật
Thụ tinh ống nghiệm IVF
Đây là phương pháp điều trị khác giúp người mắc bệnh đa nang buồng trứng có thể mang thai. Bác sĩ sẽ lấy trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng, thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi thai. Sau đó, phôi thai được đưa vào tử cung của người vợ để tiếp tục phát triển.
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Bác sĩ CKI Sản phụ khoa Bùi Thị Hường cho biết, mặc dù chưa phát hiện chính xác nguyên nhân dẫn tới đa nang buồng trứng, tuy nhiên chị em phụ nữ hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh lý cũng như giảm thiểu các biến chứng của bệnh bằng cách xây dựng lại lối sống, sinh hoạt. Cụ thể:
- Duy trì cân nặng hợp lý: như đã nêu ở mục nguyên nhân của bệnh, béo phì hoặc thừa cân làm tăng nguy cơ mắc đa nang buồng trứng ở phụ nữ. Mặt khác, thừa cân cũng khiến nữ giới dễ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch hơn. Do đó nữ giới nên có kế hoạch duy trì cân nặng của bản thân ở mức hợp lý không chỉ giúp phụ nữ có sức khỏe tốt mà còn giảm ảnh hưởng tiêu cực của bệnh đối với cơ thể.
- Xây dựng chế độ ăn phù hợp: một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp nữ cải thiện sức khỏe của nữ giới, làm đẹp vóc dáng, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đối với người đang mắc đa nang buồng trứng thì cần hạn chế nạp nhiều carbohydrate để giảm thiểu tăng lượng insulin bên trong cơ thể.
- Tập luyện thể dụng thường xuyên: các bài tập thể dục thể thao một cách thường xuyên và đều đặn sẽ hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa tình trạng kháng insulin, giúp kiểm soát cân nặng, phòng tránh bệnh đái tháo đường
- Khám phụ khoa định kỳ: khám phụ khoa định kỳ là phương pháp hiệu quả hàng đầu giúp phòng chống và tầm soát kịp thời các vấn đề phụ khoa ở nữ giới. Không chỉ giúp nữ giới kịp thời phát hiện các dấu hiệu của bệnh đa nang buồng trứng từ sớm mà còn của nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm khác. Chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin về buồng trứng đa nang là gì? Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách chữa trị. Hy vọng qua bài viết chị em đã hiểu rõ hơn về bệnh lý này. Cũng như bỏ túi một số kinh nghiệm để phòng bệnh tốt nhất.