Thoát vị bẹn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Tham vấn y khoa: BacsiNguyen
Dù ít được đề cập đến nhưng thoát vị bẹn là bệnh lý khá phổ biến ở nam giới trên 45 tuổi. Căn bệnh này không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn rủi ro hoại tử tạng, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được can thiệp sớm. Do đó, việc trang bị kiến thức về thoát vị bẹn vô cùng cần thiết, giúp mọi người chủ động thăm khám và điều trị khi có triệu chứng bất thường.
Mục lục:
Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong ổ bụng rời khỏi vị trí thông thường, sau đó chui qua ống bẹn hay các điểm yếu trên thành bụng ở vùng bẹn. Bất kỳ ai nào cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng thống kê cho thấy tỷ lệ nam giới bị thoát vị bẹn cao hơn hẳn nữ giới. Thoát vị bẹn có hai dạng thường gặp là:
- Thoát vị bẹn trực tiếp: Tạng và mỡ thừa trong ổ bụng chui qua các điểm yếu ở thành bẹn. Tình trạng này thường gặp ở những người thường xuyên lao động quá sức, người bị táo bón kéo dài gây áp lực lên thành bụng…
- Thoát vị bẹn gián tiếp: Thường là yếu tố bẩm sinh do ống phúc tinh mạc không đóng lại hoàn toàn, tạo ra một điểm yếu trên thành bụng.
Thoát vị bẹn ở người già thường do nguyên nhân trực tiếp. Bởi khi lớn tuổi, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các cơ thành bụng yếu dần đã tạo yếu tố thuận lợi cho các tạng ở ổ bụng dễ dàng chui xuống ống bẹn. Đối với thoát vị bẹn ở trẻ em và trẻ sơ sinh, nguyên nhân chủ yếu do ống phúc tinh mạc.
Thoát vị bẹn gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Một số trường hợp nguy hiểm đến tính mạng nếu các tạng không thể quay trở lại ổ bụng, bị nghẹt lại dẫn đến phù nề, hoại tử và nhiễm trùng nặng. Vì thế ngay khi có triệu chứng thoát vị bẹn, người bệnh cần thăm khám và xử lý càng sớm càng tốt.
Triệu chứng thoát vị bẹn
Dấu hiệu thoát vị bẹn thường gặp ở trẻ em
Thoát vị bẹn ở trẻ em không hiếm gặp, đặc biệt, những bé trai sinh thiếu tháng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác. Triệu chứng điển hình nhất là xuất hiện khối phồng bất thường tại vùng bẹn gần bìu (đối với bé trai) và gần môi âm đạo (với bé gái). Khi cha mẹ chạm vào sẽ thấy căng cứng, đôi khi bé không cho chạm vào vì đau. Khối phồng to hơn khi bé vui chơi, chạy nhảy, khi đi vệ sinh hoặc khi khóc… Ở trạng thái nghỉ ngơi, kích thước khối phồng xẹp xuống và ít gây đau đớn hơn.
Biểu hiện thường gặp ở hầu hết trẻ bị thoát bị bẹn là quấy khóc, bỏ bú, nôn ói, kêu đau với những trẻ lớn. Khi trẻ có biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa con đi khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng nguyên và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Biểu hiện thoát vị bẹn ở người lớn
- Xuất hiện một khối phồng tại bẹn, kích thước khối này tăng lên khi đứng lâu, vận động nặng, ho hoặc rặn lúc đi đại tiện. Nhưng khi cơ thể nằm xuống và thả lỏng thì khối lạ ấy biến mất.
- Khối phồng có thể chuyển sang khó màu đỏ, tím sẫm, gây khó chịu, đặc biệt là khi mang vác vật nặng, khi tập thể dục hoặc cúi xuống. Triệu chứng đau thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Cảm giác đau nhói, nóng rát, đôi khi thấy nặng hoặc đầy ở bẹn. Kèm theo đó là triệu chứng sốt, mạch đập nhanh…
- Ở nam giới, người bệnh sẽ thấy sưng, tức nặng vùng bìu
- Một số trường hợp có thể thấy triệu chứng bệnh giống với bệnh xoắn tinh hoàn hoặc tràn dịch tinh mạc.
Nguyên nhân thoát vị bẹn
Theo bác sĩ chuyên khoa, thoát vị bẹn do một số nguyên nhân sau:
- Do bẩm sinh: Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có ống phúc tinh mạc không đóng lại hoàn toàn, tạo ra một điểm yếu trên thành bụng, gây thoát bị bẹn gián tiếp. Ngoài gia, những em bé sinh thiếu tháng có nguy cơ mắc bệnh thoát vị bẹn cao hơn những trẻ khác.
- Do các cân cơ thành bụng yếu: Những người dễ gặp tình trạng này là người già, người thừa cân, béo phì, mắc bệnh lý dẫn đến mất collagen trong mô, người lao động quá sức hoặc có vết thương vùng bẹn…
Một số yếu tố gia tăng nguy cơ thoát vị bẹn là:
- Quá trình mang thai làm tăng áp lực ổ bụng. Đây là yếu tố chính gây thoát vị bẹn ở phụ nữ.
- Do mắc bệnh lý xơ nang, u đại tràng hoặc có khối u lớn trong ổ bụng
- Mắc bệnh viêm phế quản dẫn đến ho dai dẳng kéo dài
- Thường xuyên sử dụng chất kích thích, trong đó có hút thuốc lá
- Người có tiền sử gia đình có người thân từng mắc bệnh có nguy cơ bị thoát vị bẹn cao hơn những khác
Thoát vị bẹn nguy hiểm thế nào?
Thoát vị bẹn có nguy hiểm không? Thoát vị bẹn có ảnh hưởng đến sức khỏe không là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo bác sĩ chuyên khoa, thoát vị bẹn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Một số ảnh hưởng phải kể đến như:
- Thoát vị nghẹt
Thoát vị nghẹt là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất khi bị thoát vị bẹn. Tình trạng này xảy ra khi tạng thoát vị không thể chui trở lại ổ bụng, gây phù nề. Khi các mạch máu nuôi dưỡng bị chèn ép, tắc nghẽn sẽ gây thiếu máu cục bộ, dẫn đến hoại tử và nhiễm trùng. Trường hợp tạng thoát vị là ruột, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tắc ruột với một số biểu hiện như đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn, không thể đi vệ sinh…Nếu không được phẫu thuật kịp thời, ruột bị hoại tử gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
- Thoát vị kẹt
Thoát vị kẹt là hiện tượng tạng tại ổ bụng sau khi chui xuống túi thoát vị thì không thể di chuyển về vị trí cũ do bị dính vào túi. Ngoài ra, các tạng thoát vị dính lại với nhau là một nguyên nhân khác dẫn đến thoát vị kẹt. Khác với thoát vị nghẹt, tình trạng này không gây đau đớn và không làm tắc ruột. Nhưng thoát vị kẹt khiến người bệnh cảm thấy vướng víu, khó chịu và có nguy cơ cao gặp thương tạng thoát vị.
Chấn thương thoát vị là các tạng bên trong khối thoát vị bị vỡ, dập do những tác động từ bên ngoài khi các khối này di chuyển xuống dưới thường xuyên.
- Chức năng sinh sản bị ảnh hưởng
Thoát vị bẹn gia tăng nguy cơ mắc bệnh xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh … ở nam giới. Nếu không khắc phục hiệu quả, các bệnh lý trên làm tổn thương tinh hoàn và gây vô sinh – hiếm muộn.
- Chất lượng sống suy giảm
Kích thước khối thoát vị càng lớn sẽ chèn ép các mô lân cận, gây phù nề, sưng đau khu vực lân cận. Cơn đau dữ dội và nghiêm trọng hơn khi người bệnh vận động, mang vác vật nặng, tập thể dục, ho hoặc đi vệ sinh…Tình trạng này kéo dài khiến chất lượng sống và hiệu suất công việc giảm sút.
Phương pháp chẩn đoán thoát vị bẹn
Một số phương pháp chẩn đoán thoát vị bẹn được áp dụng hiện nay là:
- Khám thoát vị bẹn
Bác sĩ chẩn đoán thoát vị bẹn bằng cách khám lâm sàng, cụ thể là nhìn, sờ vào khối phồng ở vùng bẹn. Để việc kiểm tra dễ dàng hơn, người bệnh sẽ được yêu cầu đứng thẳng, ho hoặc vận động để khối phồng xuất hiện rõ ràng hơn. Nếu khối thoát vị quá nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp cận lâm sàng như:
- Siêu âm thoát vị bẹn
Siêu âm giúp kiểm tra và đánh giá vị trí, kích thước cũng như cấu tạo bên trong khối thoát vị. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng tươi máu, từ đó có cơ sở đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Phương pháp CT scanner
Phương pháp CT scanner giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh qua hình ảnh trên màn hình scan. Kỹ thuật này giúp bác sĩ tiếp cận trực quan và đánh giá đúng tình trạng của khối thoát vị, tránh trường hợp nhầm lẫn với một số bệnh lý u bướu vùng bẹn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm mào tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn…
Dựa trên trên kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của người bệnh.
Phương pháp điều trị thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn không thể tự khỏi được mà cần áp dụng phương pháp phẫu thuật mổ hở hoặc mổ nội soi để chấm dứt tình trạng bệnh. Phẫu thuật giúp loại bỏ hoàn toàn túi thoát vị và cố định vững chắc thành bụng để tránh hiện tượng tái phát. Theo các chuyên gia, phẫu thuật thoát vị bẹn cần được tiến hành càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
- Mổ nội soi thoát vị bẹn
Mổ nội soi là phương pháp hạn chế xâm lấn được nhiều chuyên gia áp dụng trong điều trị thoát vị bẹn. Khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có gắn camera và nguồn sáng, cùng các thiết bị phẫu thuật khác để đẩy khối thoát vị về vị trí cũ thông qua vết rạch nhỏ vùng bụng. Sau đó, bác sĩ bịt kín vị trí thoát vị bằng lưới nhân tạo để tránh tình trạng thoát vị tái phát. Vết mổ nội soi nhỏ, ít để lại sẹo, ít gây tổn thương các vùng lân cận. Vì thế, người bệnh cảm thấy ít đau đớn và hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật.
- Mổ mở thoát vị bẹn
Bệnh nhân được gây mê toàn thân nên sẽ không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Tiếp đến, bác sĩ rạch một đường gần vị trí thoát vị, sau đó đẩy khối thoát vị về vị trí thích hợp trong ổ bụng và tái tạo lại thành bụng bằng cách đặt lưới nhân tạo. So với mổ nội soi, mổ mở gây đau đớn và để lại sẹo, bệnh nhân cũng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sức khỏe.
Trường hợp bệnh nhân là trẻ em, người cao tuổi sức khỏe yếu hoặc mắc bệnh lý nghiêm trọng khác không thể phẫu thuật, các bác sĩ sẽ áp dụng cách chữa thoát vị bẹn không cần mổ là đeo túi thoát vị, mặc quần chật… Những phương pháp này chỉ áp dụng với những khối thoát vị có kích thước nhỏ và có thể gây ra tình trạng nghẹt tạng thoát vị.
Một số câu hỏi liên quan đến thoát vị bẹn
Mổ thoát vị bẹn bao lâu thì lành?
Với thắc mắc mổ thoát vị bẹn bao lâu thì lành, các bác sĩ chuyên khoa cho biết thời gian hồi phục sức khỏe sau khi mổ thoát vị bẹn ở mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật, mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe của từng người.
- Đối với mổ nội soi thoát vị bẹn, người bệnh thường mất từ 1-2 tháng đã có thể hoạt động và sinh hoạt bình thường. Tỷ lệ tái phát sau khi phẫu thuật nội soi khá thấp, người bệnh hoàn toàn an tâm nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
- Đối với mổ thoát vị bẹn bằng phương pháp mổ mở, thời gian hồi phục lâu hơn so với mổ nội soi.
Để nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cơ thể. Nếu có biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh có tự khỏi không? Thoát vị bẹn ở trẻ em khi nào mổ?
Bệnh thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh không thể tự khỏi được. Để khắc phục tình trạng bệnh, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Vậy thoát vị bẹn ở trẻ em khi nào mổ?
Xét về nguyên tắc chữa bệnh, mổ thoát vị bẹn cần tiến hành càng sớm càng tốt nhằm hạn chế biến chứng nghẹt (tạng trong ổ bụng sa xuống nhưng không trở lại ví trí cũ). Thời gian phẫu thuật tốt nhất khi trẻ bị thoát vị bẹn là khi trẻ được 9 tháng – 1 tuổi. Đây là thời điểm lý tưởng nhất để bảo vệ mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn và ống dẫn tinh, từ đó giúp bảo vệ khả năng sinh sản trong tương lai của trẻ.
Mặt khác, theo thời gian, khối thoát vị phát triển với kích thước lớn sẽ khiến cơ thành bụng ngày càng yếu và khó phục hồi. Bên cạnh đó, việc điều trị chậm trễ khiến các tạng trong ổ bụng sa xuống túi thoát vị và bị nghẹt lại, dẫn đến biến chứng tắc ruột, hoại tử ruột, đe dọa đến tính mạng của trẻ. Do đó, khi trẻ có biểu hiện khác lạ nghi ngờ thoát vị bẹn, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và xử lý kịp thời.
Cần lưu ý gì sau khi mổ thoát vị bẹn
Để cơ thể hồi phục nhanh chóng và ngăn ngừa các biến chứng sau mổ thoát vị bẹn, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây giàu vitamin, khoáng chất. Ăn lượng vừa đủ, không nên ăn quá no.
- Không ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ muối chua….Ngoài ra, không uống rượu bia, nước ngọt có gas và sử dụng chất kích thích.
- Không nên lao động quá sức hoặc chơi các môn thể thao chạy nhảy, vận động mạnh như bóng rổ, bóng chuyền, đi xe đạp… để ngăn ngừa tình trạng thoát vị bẹn tái phát.
- Kiêng hoạt động tình dục từ 3-6 tháng cho đến khi cơ thể hồi phục hoàn toàn.
- Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra và theo dõi vết mổ.
Với những thông tin mà bài viết cung cấp, chắc hẳn bạn đọc đã nắm được nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết thoát vị bẹn cũng như phương pháp cải thiện tình trạng này. Nếu bạn còn điều gì thắc mắc liên quan đến bệnh lý thoát vị bẹn hoặc các vấn đề sức khỏe khác, hãy gọi ngay đến số điện thoại 0969 668 152 để được các chuyên gia hàng đầu tư vấn miễn phí.